TIN LIÊN QUAN
Cuộc sống sau hôn nhân luôn được xem là miếng lửa thử thách tình yêu của các cặp vợ chồng trẻ. Nếu may mắn bước vào một gia đình tâm lý, có thể thông cảm và san sẻ cho nhau thì cuộc sống sẽ dễ thở nhưng không may, phải đối mặt với những người chỉ xem 'con dâu là người dưng' thì bi kịch xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Với Vân hay Trang trong Sống chung với mẹ chồng, dù cuộc sống hậu hôn nhân có những trái ngược nhưng rốt cuộc, họ vẫn gặp nhau ở điểm chung: những rắc rối đến từ hai chữ 'mẹ chồng'.
Mọi cô gái khi sinh ra rồi lớn lên, đều ước mơ có thể tìm được một người con trai đủ tin tưởng để gắn bó cả đời nhưng nếu đơn giản như vậy thì có lẽ cuộc đời đã không tồn tại những hội người nguyện gắn liền với chữ ế.
Không ai có thể yêu thương chúng ta miễn phí và trọn vẹn như bố mẹ, không nơi nào cho chúng ta cảm giác yên tâm như gia đình. Và dù tình yêu có lớn lao ra sao thì chẳng ai dám chắc, bạn sẽ có thể từ người dưng thành người thân trong mái nhà mới, nơi mà chúng ta hay gọi là: nhà chồng.
Mọi xung đột, mâu thuẫn xảy ra cuối cùng cũng chỉ xuất phát từ lòng ích kỉ, suy diễn của mỗi người. Với người thân, rồi ai cũng dễ dàng tha thứ nhưng với người dưng, chỉ một xích mích nhỏ cũng đủ khiến mỗi người quay lưng bước đi, không một lần đoái hoài lại.
Vậy bi kịch xảy đến, thật sự là từ đâu?
Bi kịch mẹ chồng, nàng dâu, em chồng, chị chồng hay từ chính chồng mang đến tất cả cũng chỉ vì 4 chữ: 'khác máu tanh lòng'. Không cùng máu mủ ruột thịt nên người ta cho mình quyền lực giày xé và đày dọa người khác. Và cũng vì khác máu nên những bà mẹ chồng như bà Phương có thể thản nhiên đối xử với con dâu 'như một đứa con gái ở đâu đâu rước về'.
Đối xử tệ bạc chưa phải là điều duy nhất, mẹ chồng, nàng dâu khó có thể hòa hợp và yêu thương nhau khi trong lòng họ thật sự chưa tồn tại chữ 'thương', chỉ một chữ mà làm nên tất cả. Mẹ có thể bỏ qua cho chúng ta tất cả lỗi lầm nhưng mẹ chồng thì không, con cái có thể giận dỗi nhưng rồi đi thật xa cũng để trở về bên cha mẹ nhưng nhất thiết đó không phải là ba mẹ chồng.
Nàng dâu xem ở nhà chồng là bổn phận, mẹ chồng với nàng dâu rốt cuộc chỉ là mối quan hệ giữa đàn bà với nhau, trước mặt cười nói nhưng bụng dạ chưa chắc đã hài lòng. Tất cả những chất chứa, theo dòng đời chỉ nặng thêm chứ chưa một lần vơi đi. Khác máu tanh lòng nên không ai có thể nhìn nhận đối phương như miếng thịt liền da, chỉ một lần xước nhẹ cũng khiến bản thân xót xa.
Mẹ chồng - nàng dâu hay bà Phương và Vân trong câu chuyện Sống chung với mẹ chồng đang gây bão trên truyền hình hiện nay nói lên một sự thật mà chúng ta đều biết nhưng cất giấu mãi trong lòng.
Nếu bà mẹ chưa sẵn sàng để dành con trai cho một người xa lạ, nếu một cô gái chưa đủ trưởng thành để thấu hiểu mọi lời la mắng đôi khi chỉ xuất phát từ tình thương thì họ đừng vội gọi nhau hai tiếng mẹ - con khi trong dạ chỉ xem nhau như người lạ.
Vì có những lo sợ và ám ảnh. Nên có những cô gái, họ chấp nhận chọn một đời độc thân, chấp nhận đôi lúc cô đơn hay tủi thân để có thể mãi nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng nhất. Có chồng rồi, tiếng thở dài cũng chất chưa bao u sầu nặng trĩu.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Đăng nhận xét